Cải cách giáo dục là thay đổi nền tảng tư tưởng GD
Cập nhật: 04.10.2017 08:31

Muốn làm cải cách, thì phải xác lập lại nền tảng tư tưởng giáo dục...

Trông người... để ngẫm đến ta

Ngày nay, sự phát triển vượt trội của các quốc gia luôn gắn liền với những cuộc cải cách giáo dục ở quốc gia đó. Và bất cứ cuộc cải cách nào cũng dựa trên sự đột phá về nền tảng tư tưởng. Những nhân vật được ghi nhận trong lịch sử như những nhà cải cách giáo dục, lại là những người đặt lại nền tảng tư tưởng cho giáo dục.

Họ giúp chỉ ra bản chất thực sự của một nền giáo dục vì con người. Những giá trị nào của con người cần được tôn vinh, chính là giá trị mà giáo dục cần theo đuổi. Theo đó, sẽ có những cách thức để nuôi dưỡng những thế hệ làm nên sự tiến bộ xã hội.

Phụ huynh ngóng con thi đại học trong kì thi 2009 vừa qua. Ảnh: VnEpress.net

Cuộc cải cách giáo dục ở Trung Quốc thế kỉ 20 gắn liền với tư tưởng về nền giáo dục độc lập, tách rời khỏi chính trị và tôn giáo của nhà cái cách Thái Nguyên Bồi – Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Trung Hoa dân quốc.

Cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Canh tân Minh Trị chịu ảnh hưởng lớn của học giả Fukuzawa Yukichi, với nỗ lực đưa những tư tưởng phương Tây vào đất nước này. Theo ông, để đạt được mục tiêu độc lập thực sự, Nhật Bản cần thay thế phương pháp học truyền thống bằng việc dạy các ngành khoa học thực tiễn của phương Tây. Người dân càng được giáo dục thì nền độc lập quốc gia càng được khẳng định.

Carl Rogers, nhà tâm lý giáo dục Mỹ coi mục đích duy nhất của giáo dục là giúp thay đổi; giúp người học nhận ra rằng không có kiến thức nào là cố định, mà chỉ có quá trình tìm kiếm tri thức mới mang lại nền tảng cho sự vững bền“Thực sự chúng ta không thể dạy người khác, chúng ta chỉ có thể làm cho việc học của anh ta trở nên dễ dàng hơn thôi”.

Emile Durkheim, nhà xã hội học Pháp cho rằng: Công việc đào tạo con người không chỉ cần làm cho học sinh quen với những tác phẩm văn học và nghệ thuật của lịch sử, mà còn thông qua những ví dụ điển hình đó, truyền tải ý thức về sự đa dạng của con người, và bộc lộ sự linh hoạt cũng như hiệu quả của bản chất con người.

Phải thấm nhuần tư tưởng rằng chúng ta chưa hiểu hết về bản thân mình, rằng ẩn sâu bên trong con người chúng ta là những khả năng bẩm sinh và vì thế, cần phải tìm hiểu đặc tính hay bản chất của những khả năng đó.”

Điểm chung của những nhà cải cách này là khước từ phương pháp giáo dục áp đặt, duy ý chí lên người học. Giáo dục không hề và không thể được hiểu theo một nghĩa giản đơn là đưa đứa trẻ vào các cơ sở trường lớp, nhồi nhét cho chúng một lượng kiến thức nhất định theo hình thức cưỡng bức và cấp cho chúng một tờ giấy chứng nhận nào đó để bước vào cuộc đời và tiếp quản các nhiệm vụ xã hội một cách máy móc, phục tùng.

Có vẻ như, cái cách mà cả ngành giáo dục, các trường học nước ta và các bậc cha mẹ đang dẫn dắt một đứa trẻ hiện nay, lại xa lạ với các quan điểm giáo dục của những nhà tư tưởng tiến bộ nêu trên!

Cần thay đổi nền tảng tư tưởng giáo dục

Các bé 6 tuổi bên trong và phụ huynh nhấp nhổm bên ngoài, chờ thi khảo sát vào lớp tiếng Anh tăng cường, TP Hồ Chí Minh, 2008. Ảnh: VnEpress.net

Robert Owen – nhà tư tưởng giáo dục và cách mạng xã hội Anh, người khởi xướng chủ nghĩa xã hội không tưởng thốt lên từ thế kỉ 19:

“Đến bất kì trường nào trên cả nước và yêu cầu hiệu trưởng cho biết trẻ em tiếp thu được cái gì, hiệu trưởng sẽ đặt ra những câu hỏi lý thuyết mà người hiểu biết cũng khó trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, trẻ em lại trả lời ngay, giống những điều chúng ta đã học.

Thật châm biếm, tất cả việc trẻ em cần làm là ghi nhớ”.

Từ “châm biếm” mà Owen dùng để chỉ trích bộ Luật Giáo dục Anh thế kỉ 19, có lẽ lại có sức gợi tới cách dạy và học phổ biến trong các trường học Việt Nam hiện nay.

Triết gia John Dewey chỉ ra nhược điểm của giáo dục Mỹ hồi đầu thế kỉ 20:

“Các trường học của nước Mỹ đang thất bại trong việc tạo nên một môi trường cần thiết cho sự nhận thức về cái tôi...Buộc tất cả các học sinh trong lớp đồng loạt đọc cùng những cuốn sách như nhau và đọc thuộc lòng những bài học giống hệt nhau.

Trong hoàn cảnh đó, trẻ sẽ mất dần những động lực giao tiếp, và người thầy sẽ không thể tận dụng được những nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ như cho, làm và phục vụ. Phong cách giao tiếp tích cực của trẻ khi đó bị thay thế bởi những động cơ và tiêu chuẩn mang tính cá nhân tuyệt đối như nỗi sợ hãi, tính ganh đua, cạnh tranh và những phán xét về đẳng cấp thấp.

Hậu quả là những đứa trẻ kém cỏi hơn sẽ mất dần nhận thức về năng lực của mình, và mãi mãi chấp nhận địa vị thấp kém, trong khi những đứa trẻ nổi trội hơn sẽ càng hãnh tiến, không phải bởi năng lực của chúng, mà bởi chúng nhận thức được thế mạnh của mình.”

Sự chỉ trích này, dường như lại đang đúng với chúng ta ngày nay.

Phương pháp giáo dục mà J.J. Rousseau – nhà triết học Khai sáng, người đã phủ bóng lên cuộc cách mạng Pháp và đề xướng những quan điểm giáo dục tiến bộ, đưa ra là:

“Giáo dục không phải là đưa thông điệp vào người tiếp nhận, mà điều cốt lõi là khiến mỗi cá nhân phải cảm thấy thích thú và có lợi khi tiếp nhận nó. Và nếu chỉ nhào nặn con người với duy nhất một trạng thái thì anh ta sẽ là vô dụng trong mọi tình huống khác”.

Có lẽ vì “chưa có điều kiện”, nên chúng ta chưa có một cuộc điều tra toàn diện về “mức độ hạnh phúc” khi đến trường của trẻ. Nhưng có một cách khác để ghi nhận tương đối về điều này là xem xét bức tranh giáo dục qua báo chí. Người lạc quan lắm, chắc cũng không dám nói rằng chúng ta đang có một nền giáo dục hạnh phúc. Rằng thực sự, mỗi ngày đến trường, với trẻ là một ngày vui. Mà ngược lại, đi học với trẻ là sự nhồi nhét khổ ải, là tuổi thơ "bị đánh cắp".

Không thể nói đến sự tụt hậu của nền giáo dục Việt Nam mà lại phủ nhận sự lạc hậu của nền tảng tư tưởng giáo dục.

Hoặc nói một cách khác, nếu có một sự tự tin nào đó để khẳng định rằng tư tưởng giáo dục của chúng ta đang là đúng đắn, chuẩn xác, tiến bộ, thì nhiều lắm nó cũng mới chỉ là lý thuyết. Sự “đúng đắn” đó chưa đủ để đi vào thực tế để tác động vào phương cách thực hiện giáo dục.

Xây thêm nhiều trường học, tăng thêm hay giảm bớt một kỳ thi, một hay nhiều bộ sách giáo khoa, trắc nghiệm hay tự luận, đề đóng hay đề mở…Các cuộc tranh luận vẫn cứ diễn ra như một sự “đánh đố” dư luận vậy. Cứ như thể nền giáo dục này sẽ được xoay chuyển nếu người ta làm xong một bản chiến lược, dịch xong một bộ sách giáo khoa, hay tiến hành nghiêm túc một kỳ thi vậy.

Không thể có một giải pháp nào đủ sức cải thiện chất lượng giáo dục, nếu nó không được thực hiện trên nền tảng tư tưởng là tôn trọng đối tượng được giáo dục, tôn trọng tính độc lập và tự do sáng tạo của người học.

Ngành giáo dục nếu muốn làm một cuộc cải cách giáo dục, thì cũng khó có cách lựa chọn nào khác ngoài cách mà nhiều quốc gia khác đã đi – xác lập lại nền tảng tư tưởng của giáo dục. “Xác lập lại” – chứ không phải sáng tạo gì cả!

Thành công trong cải cách giáo dục của các quốc gia khác đã cho thấy bài học về quan điểm nhìn nhận con người. Coi trẻ nhỏ là một thực thể, cần được khơi gợi tiềm năng, hay coi đó là những đối tượng thụ động để truyền đạt, tiêu thụ những định đề có sẵn về nhân sinh quan.

Nguồn tài liệu: Những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới,Alpha Books, NXB Thế Giới, 2008.

Việt Nam đã đi sau nhiều nước văn minh, tiên tiến về giáo dục gần 2 thế kỷ, đi sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngót một thế kỉ. Để cái cách giáo dục thực sự, chúng ta dường như không phải sáng tạo gì nhiều, chỉ cần trở lại những quan điểm và phương pháp đúng đắn mà họ đã làm. Đó đã là một may mắn cho thế hệ tương lai.