Đi tìm ‘nhà giáo’
Cập nhật: 13.09.2017 08:38

Những ngày này của 18 năm về trước, tôi có một niềm vui háo hức: Trở thành một nhà giáo.

Điều thú vị là lúc đó, tôi không hề đặt ra cho mình câu hỏi nhà giáo là ai trước khi bước vào nghề. Cũng không có ai giải thích cho tôi điều này. Đối với tôi lúc đó, nhà giáo chỉ đơn thuần là người dạy học. Tôi làm nghề dạy học, vì thế, tôi là một nhà giáo.

Nhưng chỉ sau một năm, tôi nhận ra mình còn quá non nớt để đứng trên bục giảng. Ngoài kiến thức sách vở và kỹ năng giải bài tập thì tôi gần như không có gì thêm. Tôi cũng lờ mờ nhận ra rằng, nhà giáo cần nhiều hơn những kiến thức sách vở như thế.

Lúc đó, tôi chỉ có cảm nhận mơ hồ rằng, bên cạnh việc dạy chuyên môn thì việc dạy học phải được đặt trên một cơ sở sâu xa hơn là chính những trải nghiệm của nhà giáo về con người và cuộc sống. Mà để làm được như vậy thì nhà giáo phải là một con người tương đối trọn vẹn, thấu hiểu tương đối rõ ràng về con người và tiến trình phát triển của con người, kể cả những hoang mang, bế tắc và khổ đau mà con người thường xuyên mắc phải. Còn nếu không, nhà giáo chỉ là một thợ dạy, đang thực hiện công việc dạy học để kiếm sống, chứ chưa phải là một nhà giáo đích thực.

Nhưng đây là một việc mà tôi không được chuẩn bị. Hiểu về con người và cuộc sống là một việc quá sức với một người trẻ như tôi lúc đó. Dạy học là dạy làm người. Vậy mà cả người dạy và người học đều không hiểu rõ “người” là gì.

Rồi ngay cả khi đã đứng trên bục giảng được vài năm, đã được gọi là thầy, tôi cũng chưa thực sự hiểu mình với tư cách một nhà giáo. Ngoài cách hiểu mặc định, nhà giáo là người dạy học, tôi chưa bao giờ tự đặt ra câu hỏi “Nhà giáo là ai?” để tự trả lời.


Tiến sĩ Vật lý Giáp Văn Dương
.

Nhà giáo không chỉ đơn thuần là một người làm nghề dạy học.

Để hiểu được sự phức tạp trong công việc dạy học, ta hãy hình dung mình đang đảm nhiệm việc giảng dạy cho một lớp có 30-40 học sinh, với ngần đó gia đình phía sau, và phải phối hợp với các đồng nghiệp và nhà quản lý, với rất nhiều sự vụ phải thực hiện và tiêu chuẩn phải đáp ứng. Mọi việc tưởng chừng đều bình thường, cho đến khi ta giật mình nhìn sang khối doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội khác, bỗng thấy rằng với số lượng 30-40 thành viên như thế, người dẫn dắt phải được trang bị rất nhiều kỹ năng về lãnh đạo và quản trị. Nhưng nhà giáo không hề được trang bị những kiến thức và kỹ năng này trước khi vào nghề, thậm chí còn không biết rằng mình cần phải có chúng.

Các em đang học ở trong nhà trường ngày hôm nay, nhưng kết quả của việc học đó lại chỉ được khẳng định một cách rõ ràng ở tương lai. Nhà giáo là người định hướng các em đi về phía tương lai đó. Điều này đòi hỏi một năng lực đặc biệt ở nhà giáo, năng lực của nhà lãnh đạo. Vì bản chất của công việc lãnh đạo chính là hình dung ra một viễn cảnh.

Khi phải đối mặt với tương lai, ta thường không có thông tin và dữ liệu để phân tích và đánh giá. Khi đó, tất cả những gì ta có là trực giác, chứ không trông được vào trí tuệ phân tích thông thường. Điều đó đòi hỏi nhà giáo phải rèn giũa được trí tuệ trực giác của mình, thấu hiểu các giá trị phổ quát của nhân loại, và cập nhật được các xu hướng phát triển của thời đại. Chỉ khi đó, nhà giáo mới có thể định hướng và dẫn dắt học sinh mình tiến về phía trước.

Đối tượng làm việc của nhà giáo là những con người, thường là những em nhỏ hiếu động, tràn đầy cảm xúc và đang trong quá trình hình thành nhân cách. Việc quản trị những đối tượng như thế khó khăn hơn rất nhiều so với việc quản trị các đối tượng tĩnh trong các dây chuyền sản xuất và dịch vụ thông thường.

Chưa kể không chỉ phải làm việc với các em học sinh, nhà giáo còn phải làm việc với đồng nghiệp, với phụ huynh, với người quản lý, và phải tuân thủ các quy trình, các tiêu chuẩn, với rất nhiều sự vụ cần phải xử lý.

Công việc chính của nhà giáo là dạy học, thường là một môn học cụ thể. Như thế, ngoài tư cách nhà lãnh đạo và quản lý thường bị bỏ qua như đã nói ở trên, nhà giáo phải là một chuyên gia. Trước hết, là chuyên gia về lĩnh vực mình dạy. Nhưng nếu chỉ như thế thì chưa đủ.

Mục đích cao nhất của việc dạy học là tạo ra những con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân và làm chủ cuộc sống. Để làm được việc đó, nhà giáo cũng phải là những con người như thế. Rồi nhà giáo còn phải hiểu về con người và cuộc sống nói chung dưới nhiều góc độ khác nhau thì mới có thể tự tin dạy người được.

Vì thế, với tư cách là một chuyên gia, nhà giáo không phải chỉ là chuyên gia về lĩnh vực mình giảng dạy, mà sâu xa và cơ bản hơn thế, nhà giáo phải là chuyên gia về con người và cuộc sống nói chung, thì mới có thể dạy người khác làm người. Chính những điều này, chứ không phải kiến thức chuyên môn, mới tạo ra một nhà giáo nhân văn, đích thực.

Cuối cùng, nhà giáo còn phải là một hình mẫu để học trò noi theo. Với con trẻ, việc học diễn ra trước hết không phải ở trong những lời lẽ được rao giảng, mà ở lối sống và cách hành xử của những người lớn. Vì thế, điều nhà giáo giảng dạy chỉ thực sự có ý nghĩa nếu họ đã trải nghiệm qua, đã trở thành người như thế. Nhà giáo phải chính là điều mà họ nói ra thì việc dạy mới thực sự có ý nghĩa. Nếu không, những điều nhà giáo giảng dạy chỉ là một mớ khái niệm cóp nhặt từ sách vở, không có chút sức nặng nào.

Nói cách khác, cuốn sách giáo khoa tốt nhất chính là cuộc đời của bản thân nhà giáo, và phương pháp giáo dục tốt nhất chính là “thân giáo”.

Phải mất rất nhiều năm sau, tôi mới hiểu được điều này.

TS. Giáp Văn DươngVnexpress