Tài liệu quý về cải cách giáo dục
Cập nhật: 04.10.2017 08:02

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, trưởng nam của GS Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam Dân chủ cộng hòa) lần đầu tiên giới thiệu một tài liệu quý liên quan tới cải cách giáo dục thời kỳ nước nhà mới giành độc lập...


Bản sơ đồ cải cách giáo dục cũ được tìm thấy trong tài liệu lưu trữ của GS Vũ Đình Hòe

Nhà giáo Vũ Thế Khôi: Dưới đây là trích đoạn về hoạt động giáo dục trong bản “Báo cáo về hoạt động của Chính phủ” do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe thay mặt Chính phủ trình bày ngày 30/10/1946 tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I. Phần này ông viết theo Đề án cải cách giáo dục do Bộ Quốc gia giáo dục (thời gian ông Hòe là Bộ trưởng) và Hội đồng cố vấn học chính đệ trình, đã “được Hội đồng Chính phủ chuẩn y cùng Ban Thường trực Quốc hội thỏa hiệp”, ban hành thành Sắc lệnh 146 ngày 10 - 8 - 1946 đặt những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới.

Nhưng rồi cuộc Trường kỳ Kháng chiến chống Pháp đã không cho phép triển khai Đề án cải cách giáo dục này. Theo thiển ý của chúng tôi, mô hình này có một số điểm ngày nay vẫn khả thủ như: tính hướng nghiệp (“tuyển trạch”) cụ thể sau mỗi bậc học (bắt đầu từ sau tiểu học, do nhiều học sinh vào đầu cấp đã khá lớn tuổi), sự liên thông giữa “ngành học tổng quát” (phổ thông văn hóa) “ngành học chuyên môn” (phổ thông chuyên nghiệp), tính thực hành cao (có đào tạo kỹ sư thực hành).

Toàn văn báo cáo hiện vẫn còn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I. Chúng tôi chỉ trích dẫn phần trình bày các ngành và bậc học.

Trong tài liệu lưu trữ riêng của ông Vũ Đình Hòe, chúng tôi tìm thấy một sơ đồ, theo lời ông, do giáo sư Hồ Hữu Tường, ủy viên Hội đồng cố vấn học chính thể hiện theo bản Dự án. Xin được giới thiệu cùng trích đoạn báo cáo.



Vẽ lại sơ đồ cải cách giáo dục cũ

"Nền giáo dục mới quy định theo Sắc lệnh 10 - 8 - 1946 đặt trên ba nguyên tắc căn bản: dân chủ, dân tộc, khoa học.

Để thực hiện nguyên tắc dân chủ, nền giáo dục là nền giáo dục duy nhất, bình đẳng và chung cho cả quốc dân, không phân biệt giầu nghèo và giai cấp xã hội.

Nền giáo dục mới xây dựng trên nguyên tắc dân tộc, sẽ một mặt phát huy những đức tính, những năng lực của giống nòi, một mặt đào tạo một tinh thần quốc gia mạnh mẽ sáng suốt để biết đem toàn lực phụng sự Tổ quốc trong khi phụng sự lý tưởng dân chủ.

Với tinh thần khoa học, nền giáo dục mới không có tính cách nhồi sọ, nó sẽ không quá trọng lý thuyết mà coi rẻ thực hành, nó sẽ không quá thiên về phần giáo huấn mà nhãng bỏ phần dưỡng đức, nó sẽ có tính cách thực tế, không quá trọng học thuật mà nhãng bỏ phần thực nghiêp, và sẽ chú trọng về phần thực hành cũng như về phần lý thuyết, để gây cho thanh niên một tinh thần khoa học biết dùng học thức vào đời sống của mình và của đoàn thể.

Ngang với nền học phổ thông sẽ có một nền học chuyên môn để huấn luyện thanh niên thành những cán bộ đủ năng lực ttham gia vào các ngành hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, và dự một phần vào công cuộc kiến thiết quốc gia.

Nền giáo dục ấy được phân phát sau cuộc giáo dục ấu trĩ, như trong Sắc lệnh 146 đã định, trong ba cấp học, là:

- Đệ nhất cấp tức là bậc học cơ bản

- Đệ nhị cấp có hai ngành: ngành học tổng quát và ngành học chuyên môn

- Đệ tam cấp: bậc đại học.

Bậc ấu trĩ đảm nhiệm việc giáo dục các trẻ em dưới 7 tuổi trong những lớp mẫu giáo hay những ấu trĩ viên do Bộ Quốc gia giáo dục tổ chức hay kiểm soát.

Bậc học cơ bản dạy những điều thường thức cần thiết và luyện tập những tập quán tốt cho trẻ em từ bẩy tuổi. Hạn học là 4 năm. Học sinh học hết năm thứ tư sẽ thi lấy bằng giáo dục cơ bản. Bậc học cơ bản sẽ là bậc học cưỡng bách bắt đầu từ năm 1950.

Sau bậc học cơ bản có lớp dự bị hạn học một năm, mục đích ngoài sự dạy cho học sinh một cái học phổ thông đại cương còn chú trọng đến khuynh hướng và khả năng trí tuệ của chúng để chọn lựa và đưa chúng vào ngành học tổng quát để lên bậc đại học, hoặc sang ngành học chuyên môn (chuyên nghiệp và thực nghiệp) để thành những người thợ khéo, những nhà buôn giỏi, những nhà nông lành nghề, những nhà kỹ sư vừa giỏi về lý thuyết vừa thạo về thực hành. Nhưng một năm hướng dẫn không thể coi là đủ để biết rõ khuynh hướng và khả năng của học sinh được, nên phải tiếp tục ở mấy năm sau trong những lớp phổ thông và thực nghiệp, sẽ có thể sửa chữa những sự lầm lẫn, đưa trẻ ra khỏi con đường đã chọn sai để đặt chúng vào con đường thích hợp với khả năng của chúng.

Sau năm dự bị học sinh sẽ vào ngành học tổng quát hay ngành học chuyên môn.

Ngành học tổng quát gồm hai bậc:

1) Bậc phổ thông hạn học 4 năm, dạy theo một chương trình phổ thông;

2) Bậc chuyên khoa hạn học 3 năm, chia làm ba ban: toán-lý-hóa, vạn vật và văn khoa. Học sinh học hết năm thứ ba sẽ thi lấy bằng học thuật tổng quát để vào các ban đại học hay các trường cao đẳng chuyên môn

Ngành học chuyên môn gồm hai bậc:

1) Bậc thực nghiệp dành cho học sinh sau một năm hướng dẫn tuyển trạch tỏ ra có năng khiếu và khuynh hướng về thực nghiệp, để luyện chúng thành những nông gia, thương gia và công gia lành nghề. Có nhiều ban dạy từng nghề, và hạn học từ 1 đến 3 năm tùy từng ban. Học sinh tốt nghiệp vào ưu hạng ở bậc thực nghiệp có thể xin vào các trường chuyên nghiệp.

2) Bậc chuyên nghiệp dành cho những học sinh đã theo lớp dự bị chuyên nghiệp, chia ra làm nhiều ban và mục đích huấn luyện các cán bộ thực tiễn về lý thuyết và thực hành để giúp việc kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, xã hội. Hạn học ít nhất 3 năm và bằng tốt nghiệp là bằng kỹ sư.

Bậc đại học gồm các ban văn khoa, khoa học, pháp lý theo chế độ từng môn, và những trường cao đẳng chuyên môn, học theo chương trình nhất định và niên hạn nhất định, ít nhất là 3 năm.

Muốn cho nền giáo dục mới phổ cập đến toàn thể dân chúng để đúng với nguyên tắc dân chủ, không những rồi đây chỉ thi hành luật cưỡng bách giáo dục cho bậc học cơ bản từ năm 1950, mà Bộ Quốc gia giáo dục lại xin phép áp dụng những phương sách sau này nữa:

1) Ở tất cả các bậc học, học sinh không phải trả học phí.

2) Trong các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh không phải nộp một phí khoản nào”.

Báo cáo viên Vũ Đình Hòe

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Vietnamnet