Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ năng sống học sinh, sinh viên và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong Nhà trường, sáng ngày 7/7/2017, tại HT 200, trường Đại học Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học “Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” với sự tham dự của gần 200 đại biểu.
Tới dự có TS. Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Phạm Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng; TS. Đinh Quang Minh, Phó Hiệu trưởng; về phía đại biểu khách mời, có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Đào Đức Trình - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai, Hội Tâm lý - giáo dục Đồng Nai; các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên đến từ Viện Nghiên cứu Sư Phạm - Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Cao đẳng Bình Định, trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum; cùng các quý thầy cô đến từ các Phòng Giáo dục, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện thị, TP. Biên Hòa; các thầy cô đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; và các thầy cô là lãnh đạo các đơn vị, phòng, khoa, bộ môn, trung tâm; các giảng viên bộ môn Quản lý giáo dục, đại diện sinh viên các khóa trường Đại học Đồng Nai.
Mở đầu chương trình, đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Tổ chức Hội thảo, TS. Trần Minh Hùng đã phát biểu khai mạc. Tiến sĩ Trần Minh Hùng nhấn mạnh: Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên là vấn đề rất cấp thiết. Ở tỉnh Đồng Nai, việc giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên được triển khai từ đầu năm 2015, Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện chương trình này. Trong 2 năm qua, việc giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên đã đạt được những kết quả nhất định. Vì thế xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm, đồng thời trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, trường Đại học Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Từ khi có thông báo tổ chức Hội thảo đến ngày 27/6/2017, Ban Tổ chức đã nhận được 72 bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các giảng viên đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, trong đó có 45 bài viết được in trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm bài tham luận về giáo dục kỹ năng sống trong thực tiễn giáo dục hiện nay ở Việt Nam.
- Nhóm bài viết về điều tra thực trạng giáo dục kỹ năng sống và đề xuất biện pháp thực hiện tốt hơn.
- Nhóm bài viết về xây dựng mô hình giáo dục kỹ năng sống.
- Nhóm bài viết về dạy học tích hợp kỹ năng sống.
Sau bài phát biểu khai mạc, Hội thảo tiến hành phần nội dung chính: trình bày báo cáo và thảo luận dưới sự điều hành của ThS. Lê Thị Hoài Lan, Trưởng Bộ môn Quản lý giáo dục trường Đại học Đồng Nai.
Đã có 6 báo cáo được trình bày tại Hội thảo. Đó là:
- Bài cáo 1: “Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên Đồng Nai” - PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu Sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội), ThS. Hoàng Văn Chi (trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum).
- Bài cáo 2: “Dạy học kỹ năng mềm cho sinh viên tiếp cận dưới góc độ học thuyết hành vi” - TS. Nguyễn Hữu Long (trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh).
- Báo cáo 3: “Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên tại trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương” - ThS. Lê Thị Thanh Tuyền, ThS. Bùi Thanh Tâm, CN. Nguyễn Viết An (trường Đại học Thủ Dầu Một).
- Báo cáo 4: “Vận dụng kinh nghiệm giáo dục kỹ năng sống từ mô hình SEL” - PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn (trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh).
- Báo cáo 5: “Xây dựng biện pháp nâng cao khả năng kiểm soát cảm xúc giận dữ thông qua liệu pháp hành vi” - ThS. Hồ Hoàng Yến (trường Đại học Đồng Nai).
- Báo cáo 6: “Thay đổi tiếp cận giáo dục kỹ năng sống trong bối cảnh hiện nay ở trường Đại học Đồng Nai (bản tóm tắt kết quả đề tài: Xây dựng hệ dữ liệu nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên trường Đại học Đồng Nai)” - TS. Trần Minh Hùng, ThS. Phạm Xuân Thanh (trường Đại học Đồng Nai).
Tiếp đó, phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi xung quanh nội dung của các bài viết cũng như những chia sẻ thêm của các báo cáo viên, các thầy cô tham dự hội thảo về thực tiễn dạy và học kỹ năng sống, các nghiên cứu, biện pháp nhằm nâng cao kết quả dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, vai trò của phụ huynh cùng nhà trường, xã hội trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên,…
Sau hơn 4 giờ làm việc nghiêm túc, khoa học, Hội thảo khoa học với chủ đề “Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do trường Đại học Đồng Nai tổ chức đã thành công tốt đẹp. Đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Tổ chức Hội thảo, TS. Phạm Văn Thanh, Phó hiệu trưởng đã phát biểu tổng kết Hội thảo. TS. Phạm Văn Thanh tổng kết kết quả của quá trình tổ chức Hội thảo và nhấn mạnh, các bài viết được in trong Kỷ yếu và các ý kiến thảo luận tại Hội thảo cho thấy: Sự tâm huyết, tinh thần nghiêm túc trong khoa học đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng tinh thần trong xã hội; Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên chia sẻ những vấn đề về công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; các bài viết, các ý kiến thảo luận đã góp phần làm sáng tỏ tính cấp thiết, cơ sở lý luận, thực trạng, nguyên nhân của những hạn chế và đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới tại các nhà trường; qua Hội thảo còn đặt ra yêu cầu cho mỗi giảng viên, giáo viên, sinh viên phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện nhiệm vụ này; kết quả của Hội thảo, Kỷ yếu Hội thảo là tập tài liệu có giá trị khoa học, tham khảo tốt cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống. Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Tổ chức Hội thảo, TS. Phạm Văn Thanh một lần nữa bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới các vị đại biểu, các nhà khoa học, các thầy cô giáo và các em sinh viên đã tới tham dự và góp phần vào thành công của Hội thảo. Các bài viết có chất lượng, phù hợp với tiêu chí đăng bài của Tạp chí Khoa học - trường Đại học Đồng Nai, được sự đồng ý của tác giả sẽ được chọn lựa, chỉnh sửa, phản biện, hoàn thiện và đăng trên các số tiếp theo của Tạp chí.
Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:
TS. Trần Minh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
ThS. Lê Thị Hoài Lan điều hành phần báo cáo và thảo luận
PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình trình bày báo cáo tại Hội thảo
TS. Nguyễn Hữu Long trình bày báo cáo tại Hội thảo
ThS. Lê Thị Thanh Tuyền trình bày báo cáo tại Hội thảo
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn trình bày báo cáo tại Hội thảo
ThS. Hồ Hoàng Yến trình bày báo cáo tại Hội thảo
ThS. Phạm Xuân Thanh trình bày báo cáo tại Hội thảo
Không khí thảo luận tại Hội thảo
TS. Phạm Văn Thanh phát biểu tổng kết Hội thảo
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Tổ chức Hội thảo