logo
logo
0933 205 502
 
Time 22.11.2018 04:39 | View 14.309

Theo TS. LƯƠNG HOÀI NAM, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bao gồm cả việc tìm ra và đưa vào cuộc sống một triết lý giáo dục đủ tốt làm kim chỉ nam cho cải cách giáo dục, đào tạo, thay vì chỉ “vá víu”, thay đổi nhỏ.

TS. Lương Hoài NamTS. Lương Hoài Nam

Nhất quán và đồng bộ

- Theo ông, để có định hướng cụ thể phát triển giáo dục Việt Nam, cần cách thức thực hiện như thế nào?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi thấy các vấn đề giáo dục Việt Nam rất ngổn ngang, không ít chuyện bế tắc, được tích tụ qua hàng chục năm nay. Vì sự phát triển của đất nước, cần đổi mới giáo dục thực sự căn bản, toàn diện như Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra. Vấn đề là làm như thế nào và bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng cần bắt đầu từ việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam. Một trình tự cải cách đúng cần bắt đầu từ triết lý giáo dục, rồi đến các mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục, cải cách sách giáo khoa, cải cách thi cử, phát triển lực lượng giáo viên, phát triển cơ sở vật chất giáo dục, để mọi thứ nhất quán và đồng bộ. Chúng ta đã không ít khi cải cách theo quy trình ngược và lần này không phải không có rủi ro đó, đẩy nền giáo dục nước ta vào một cuộc cải cách không ngừng nghỉ, mệt mỏi, tốn kém mà không hiệu quả. Chưa tốt thì phải thay đổi, nhưng cần thay đổi theo cách đủ tốt để ổn định trong một thời gian dài.

- Theo trình tự ông vừa nêu thì triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục là hai giai đoạn của một quá trình?

TS. Lương Hoài Nam: Trong mọi lĩnh vực, triết lý luôn luôn là cái cao hơn, cao nhất và bao trùm các mục tiêu. Khi xây dựng một chế độ xã hội, đầu tiên cần phải có triết lý về nó, rồi mới đến việc xác định và thực hiện các mục tiêu cụ thể. Giáo dục cũng tương tự: Trước tiên phải có triết lý rõ ràng, nhất quán, rồi mới xác định các mục tiêu giáo dục cụ thể phù hợp với triết lý giáo dục được chọn. Triết lý là cái ít khi thay đổi, còn mục tiêu thì linh hoạt hơn nhiều, tùy vào bối cảnh, điều kiện cụ thể.

Chúng ta vẫn nói về "con người toàn diện" như mục tiêu giáo dục, đào tạo, nhưng trong thực tiễn rất dễ được hiểu thành "con người cào bằng", cái gì cũng biết, nhưng không biết cái gì đủ sâu để làm thật tốt. Quan điểm giáo dục của tôi là "Con cá phải được học bơi, được đánh giá theo khả năng bơi, để ra đời đi bơi. Con chim phải được học bay, được đánh giá bằng khả năng bay, để ra đời đi bay". Không thể dạy và đánh giá con cá, con chim với kiến thức, cách thức giống nhau.

TS. Lương Hoài Nam tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 9/8/2018 về chương trình GDPT mớiTS. Lương Hoài Nam tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 9/8/2018 về chương trình GDPT mới

 

Sớm xây dựng một triết lý giáo dục tốt

- Cách đây 4 năm, ông đã đưa ý kiến và lập luận rằng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục. Hiện tại thì sao, thưa ông?

TS. Lương Hoài Nam: Cách đây 4 năm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã không đồng ý với ý kiến của tôi và khẳng định Việt Nam có triết lý giáo dục, đó chính Nghị quyết 29-NQ/TW. Tôi cho rằng ở đây có sự nhầm lẫn. Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiểu một cách sâu sắc, việc đổi mới đó bao gồm cả tìm ra và đưa vào cuộc sống một triết lý giáo dục đủ tốt làm kim chỉ nam cho cải cách giáo dục - đào tạo, có như thế thì đổi mới mới có thể thực sự căn bản, toàn diện, thay vì chỉ là "vá víu", thay đổi nhỏ.

Cũng cần nhắc lại, ngay trước đó, Viện Khoa học giáo dục đã có một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về triết lý giáo dục Việt Nam, nhưng hiếm thấy tham chiếu nào đến các kết quả của công trình này khi bàn về triết lý giáo dục.

Tôi đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ Sáu, rằng "phải đúc kết, được các nhà khoa học, nhà quản lý, nhân dân đồng tình mới đưa ra được triết lý giáo dục".

Cần thẳng thắn thừa nhận là nước ta chưa có triết lý giáo dục, ít ra là với nội dung, hình thức có thể áp dụng được. Điều này làm cho sự nghiệp cải cách giáo dục rất khó khăn vì nhiều vấn đề giáo dục không biết tham chiếu vào đâu để biết đúng - sai, tốt - xấu, nhiều mâu thuẫn, xung đột trong hệ thống giáo dục không có lời giải hiệu quả. Vì thế, cần sớm xây dựng được một triết lý giáo dục tốt để làm kim chỉ nam.

TS. Lương Hoài Nam tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30/7/2018 về kỳ thi THPT QG 2018TS. Lương Hoài Nam tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30/7/2018 về kỳ thi THPT QG 2018

- "Một triết lý giáo dục tốt" trong bối cảnh hiện nay, theo ông, cần được thể hiện như thế nào, tính thời đại ra sao?

 

TS. Lương Hoài Nam: Nền giáo dục nào cũng có tính thời đại, vấn đề là thời đại nào? Thời đại mà nhân loại tiến bộ đang trải qua, tiến tới, hay là thời đại mà họ đã bỏ lại phía sau? Ví dụ, chúng ta cảm thấy yên tâm với khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" treo ở hầu hết trường học, nghĩ là nó mặc nhiên đúng. Nhưng thực sự có phải vậy không, khi mà nhân loại đã tiến tới nhận thức "Học tập trọn đời"? Đã là học tập trọn đời, không chỉ học tập trong nhà trường, mà học tập bằng nhiều cách khác, không ngừng nghỉ, chú trọng ý thức và các phương pháp tự học.

Nước ta từng có mục tiêu Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp cơ bản hiện đại vào năm 2020, nhưng đã phải thừa nhận mục tiêu đó bị thất bại. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, phải chăng con người Việt Nam ở đầu ra của nền giáo dục Việt Nam lâu nay hoàn toàn chưa phù hợp với mục tiêu đó? Về mặt bằng chung, đó là con người với khả năng sáng tạo công nghệ, làm công nghiệp kém; con người cảm tính, duy tình hơn duy lý, dễ dãi, xuề xòa, tính kỷ luật thấp… Con người đó có thể phù hợp với nông nghiệp và ở mức độ nào đó với các lĩnh vực dịch vụ, nhưng với công nghệ, công nghiệp thì không phù hợp. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân chính.

Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân.