logo
logo
0933 205 502
 
Time 04.06.2018 07:42 | View 24.434

Chỉ nên nói chuyện tích hợp sau khi chuẩn bị, thậm chí đào tạo lại một thế hệ giáo viên mới đủ sức làm chuyện tích hợp như thế giới đang làm.

10
Thử tham khảo sách giáo khoa ở Úc

Hồi ức về mười năm đi dạy của tôi gói gọn trong hai chữ “giáo án”, đúng hơn là ba chữ “cháy giáo án”. Lúc mới vào nghề dạy, tôi cứ nghĩ miễn sao người thầy truyền đạt đủ lượng tri thức đã ghi rõ trong chương trình, còn hằng ngày, hằng tiết người thầy dạy như thế nào là tùy ý.

Phải để người thầy có thời giờ, lúc hứng lên kể cho học trò nghe chuyện thế sự, lúc bực mình đem học trò ra mắng cho chúng khá lên. Phải để người thầy nhấn nhá phần này thật dài, lướt qua phần kia, có phần giao hẳn cho học sinh tự tìm hiểu.

Hãy tự bơi?

Không được! Lúc đó, mọi giờ, mọi phút lên lớp của người thầy đều được vạch lộ trình sẵn; mọi câu, mọi ý đều được ghi rõ ra; thậm chí bao nhiêu phút dành cho học sinh trả bài cũng phải lường trước. Tất cả nằm trong một bản vẽ chi tiết gọi là giáo án.

 

Riết rồi quen, không còn phản ứng gì đã đành mà thói quen dựa vào giáo án mới dạy suôn sẻ lại hình thành. Sách giáo khoa là pháp lệnh, sách có in sai cũng phải chờ đính chính từ cấp có thẩm quyền, người thầy không được tự tiện sửa sách. Người thầy như một cái máy dạy được lập trình sẵn, một kiểu “dạy đồng phục”.

Nay bỗng dưng rộ lên cuộc bàn thảo về “tích hợp”, trong đó miêu tả hoạt động dạy học nghe như chuyển sang một thái cực khác.

Một chuyên gia ngành giáo dục nói: “Có thể nêu ngắn gọn ưu điểm của việc tích hợp là tránh được chồng chéo, trùng lặp về nội dung kiến thức, đặt nội dung của các môn học trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung”.

Nghe thì hay nhưng người thầy dạy theo kiểu “đồng phục” một thời gian dài, nay yêu cầu họ chủ động “dạy học tích hợp liên môn” rồi “dạy học qua trải nghiệm sáng tạo” chẳng khác đẩy một người không biết bơi vào con sông chảy xiết và nói “cứ bơi mạnh dạn đi”.

Không tin cứ thử khảo sát 100 người thầy để coi họ hình dung dạy tích hợp là dạy cái gì, dạy như thế nào. Nếu cứ ép dạy theo kiểu tích hợp sẽ nảy sinh tình huống dở khóc dở cười mà báo chí từng tường thuật. “Một giáo viên thực hiện bài giảng về chủ đề ảnh hưởng của thuốc lá đối với hệ hô hấp cho rằng đã vận dụng gần cả chục môn.

Chẳng hạn khi đưa ra số liệu, giáo viên này nói đã tích hợp được môn toán, trình chiếu bài giảng trên máy tính là tích hợp tin học, dùng các từ khóa tiếng Anh là tích hợp ngoại ngữ, thông tin cảnh báo là tích hợp giáo dục công dân...”. Giới nghiên cứu giáo dục đang hiểu tích hợp khác hẳn giới thực hành giảng dạy. Giới biên soạn chương trình hiểu tích hợp khác với cách làm của các nước... Có thể gói gọn vào một ý: cơm chưa chín mà đã rút củi ra khỏi nồi.

Lấy nền tảng được đào tạo chính quy ngành sư phạm lại có thêm kinh nghiệm mười năm dạy học, tôi tự nhủ mình phải tự tìm hiểu “tích hợp” chứ khó khăn gì một khái niệm mà đành chịu thua.

Nhưng khi tra cứu các tài liệu nghiên cứu chính quy, gặp phải câu này trong tạp chí Nghiên Cứu Giáo Dục, tôi như đụng đầu vào đá: “Có thể phân biệt ba dạng tích hợp: đa môn học, liên môn học và xuyên môn học.

Đa môn học thể hiện sự đặt cạnh nhau một cách đơn giản của các môn học mà không phá vỡ quá nhiều logic nội tại của nội dung khoa học mỗi môn học. Liên môn áp dụng cho sự tương tác giữa các môn học nhưng đã thay đổi một cách tinh tế...”. Chịu. Phải tìm con đường khác thôi.

Chuyển sang tìm hiểu “tích hợp” nhân tranh cãi về vị trí môn sử, đọc trả lời phỏng vấn của các quan chức Bộ GD-ĐT, tôi hình dung ngành giáo dục đang hiểu tích hợp lịch sử với giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc hay tích hợp lịch sử với địa lý thành môn khoa học xã hội.

Hiểu theo cách đó thì mười năm nữa vẫn chưa tích hợp được như kỳ vọng vì phải soạn xong chương trình tổng thể, rồi soạn chương trình từng môn, rồi biên soạn sách giáo khoa hoàn toàn mới, rồi đào tạo lại giáo viên, rồi tập huấn... Mà dường như thế giới cũng chưa tích hợp đến mức độ đó.

Đâu là nền tảng?

Ngành giáo dục các nước không tự trao cho mình nhiệm vụ biên soạn chương trình tích hợp cho cả nước làm theo. Họ chỉ việc công bố chương trình chuẩn ở mức tối thiểu theo các môn, thị trường làm sách vẫn sẽ biên soạn các sách bộ môn tách biệt, phần đông các trường vẫn đưa ra chương trình gồm các môn tự chọn và bắt buộc cho học sinh.

Song song đó, các trường hay cụm trường sẽ nỗ lực giới thiệu phương pháp tích hợp vào dạy và học với điểm nhấn là học sinh dùng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề đặt ra dưới sự hướng dẫn của nhóm giáo viên liên môn.

Như vậy, tích hợp không có nghĩa gom các môn vào chung thành một môn có tên gọi cụ thể nào đó. Hiểu như thế là sai tinh thần tích hợp vì không lẽ phải tổ hợp các môn thành hàng ngàn môn tích hợp để đáp ứng các yêu cầu rất đa dạng của cuộc sống và vì nói thế thì làm sao còn khái niệm tích hợp liên môn hay đa môn nữa!

Vẫn phải duy trì các môn riêng lẻ và sự sáng tạo của người thầy là tìm kiếm chủ đề sao cho khi tìm hiểu, giải quyết hay giải thích, học sinh phải vận dụng kiến thức và kỹ năng hình thành được từ các môn khác nhau.

Học sóng âm ở môn vật lý rồi học các bộ phận của các nhạc cụ rồi “tích hợp” chúng lại với nhau để giải thích vì sao nhạc cụ phát ra tiếng nhạc. Hay người thầy đặt ra một vấn đề cho học sinh: làm sao để biến rác thải của cộng đồng thành vật có ích. Khi đó, học sinh có thể học về vai trò của chính quyền địa phương từ môn khoa học xã hội, về các phản ứng hóa học trong môn khoa học tự nhiên, về cách tính toán khối lượng trong môn toán...

Cách đây chưa lâu rộ lên tin Phần Lan đòi bỏ các môn toán, lý, hóa. Thật ra nước này vẫn dạy học sinh các môn đó nhưng không thành môn học riêng biệt mà “tích hợp” chúng trong các tình huống cụ thể. Và đó cũng mới là dự kiến yêu cầu các trường xây dựng ít nhất một kỳ học “đa môn” tập trung vào một hiện tượng hay một chủ đề mà học sinh quan tâm, sẽ áp dụng vào năm 2016. Cuộc tranh cãi về bỏ hay không bỏ môn sử ở Việt Nam hiện nay cũng do hiểu nhầm nhau, chẳng khác gì báo chí thế giới hiểu nhầm vụ Phần Lan.

Có lẽ những người biên soạn chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên dùng đúng từ “ghép môn” khi muốn ghép một số môn lại với nhau để tạo ra môn mới, đừng dùng từ “tích hợp” sẽ gây hiểu nhầm và lúng túng.

Hãy để dành chuyện tích hợp nói sau, sau khi chuẩn bị, thậm chí đào tạo lại một thế hệ giáo viên mới đủ sức làm chuyện tích hợp như thế giới đang làm vì điều đó thuộc về phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận chương trình giảng dạy chứ không phải bản thân chương trình đang muốn xây dựng. ■

SĨ PHU

Bài liên quan

TS. Lê Thống Nhất: "Chúng ta chưa thực sự làm thật về giáo dục!"
Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam: “Con cá phải học bơi, con chim phải học bay...”
Albert Einstein bàn về giáo dục
Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản
Người Việt nói dối: Con số và viễn cảnh
Việt Nam học được gì từ nghịch lý giáo dục Phần Lan
HỌC GÌ TỪ NHỮNG KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC SINGAPORE
Những tháng ngày Harvard
Ba người thầy vĩ đại
Giáo dục là cuộc sống - Triết lý của John Dewey
Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga
Cải cách giáo dục là thay đổi nền tảng tư tưởng GD
Tài liệu quý về cải cách giáo dục
Nhà giáo Phạm Toàn: Cải cách phải giản dị!
Đi tìm ‘nhà giáo’
Sự khác biệt về giáo dục giữa Phần Lan và Việt Nam
Chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Bốn thói xấu của người Việt đương đại
Người Nhật học thế nào?
Lễ tổng kết lớp nghiệp vụ quản lý khóa 28
12