logo
logo
0933 205 502
 
Time 24.10.2017 03:22 | View 19.217

Nga tự hào là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà khoa học giỏi của thế giới. Nền giáo dục phổ thông của Nga có những "bí kíp" cũng rất độc đáo. Câu chuyện ở 3 ngôi trường tốt nhất nước Nga.

Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga - Ảnh 1.

Một tiết học hóa - sinh ở Trường trung học năng khiếu Saransk - Ảnh: TASS

Để hiểu thêm về nền giáo dục phổ thông của Nga, cùng điểm qua ba ngôi trường trung học được đánh giá tốt nhất theo bảng xếp hạng năm 2017. Phóng sự của Hãng tin TASS.

1. Trường trung học 179, Matxcơva: "Thầy cô giáo và học sinh là đồng nghiệp"

Nằm ở trung tâm thủ đô Matxcơva, chỉ cách quảng trường Đỏ 5 phút đi bộ, Trường trung học 179 tập trung đào tạo các chuyên ngành toán học, kỹ sư và sinh học. Học sinh được nhận vào trường bắt đầu từ lớp 6 (học sinh ở Nga học đến lớp 11, tuổi trưởng thành là 17).

Cách tuyển sinh của trường khá thú vị. Các thầy cô không đánh giá học sinh dựa trên thành tích học tập ở cấp tiểu học, thay vào đó họ sẽ phỏng vấn riêng từng thí sinh, giao cho các em một số bài toán nhằm mục đích đánh thức tiềm năng, vốn có thể chưa xuất hiện trên bảng điểm của các em trước đó.

 
 

Ngoài ra, một tiêu chí đánh giá quan trọng là niềm đam mê mà các học sinh thể hiện đối với lĩnh vực các em chọn cho tương lai.

Ngôi trường 179 dạy và học theo "Phương pháp Konstantinov", sáng tạo bởi thầy giáo - nhà toán học nổi tiếng Nicolai Konstantinov. 

Phương pháp này tóm gọn như sau: thay vì bám theo sách giáo khoa, mỗi học sinh sẽ nhận được một bản hướng dẫn mô tả các nhiệm vụ cần làm, từ đó xây dựng cho riêng mình "tòa tháp toán học" theo từng tầng một, từ thấp lên cao.

"Sẽ không có cảnh một học sinh bước lên bảng, giải hết bài toán rồi cả lớp ngồi chép vào tập. Mỗi em học theo nhịp độ của riêng mình, nhưng ai cũng sẽ hoàn thành toàn chương trình" - thầy hiệu trưởng Pavel Yakuskin giải thích.

Hệ thống này dựa trên nguyên tắc phản hồi, học sinh không chỉ giải quyết nhiệm vụ được giao, các em còn phải giải thích cách suy luận của mình cho thầy cô giáo"

Thầy Pavel Yakuskin - hiệu trưởng Trường trung học 179

Một nhiệm vụ khác không kém quan trọng mà các thầy cô luôn chú ý đó là dạy cho học sinh cách tôn trọng người khác. 

"Việc dạy và học được xây dựng trên mối quan hệ tin tưởng và thậm chí là thân hữu, nhưng đồng thời các em phải biết tôn trọng người lớn tuổi hơn. Tôi thường nói với học sinh tôi chỉ là đồng nghiệp của các em, chỉ là tôi hiểu biết hơn chúng một ít" - thầy giáo Oleg Gritsenko tâm sự.

Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga - Ảnh 3.

Tại Trường trung học 179, thầy cô đối xử với học sinh như bạn bè - Ảnh: TASS

2. Trường trung học năng khiếu Saransk: "Ai sinh ra cũng có năng khiếu"

Nằm ở nước Cộng hòa Mordovia thuộc Nga, Trường năng khiếu Saransk có một đặc điểm nổi bật: Một nửa học sinh của trường là trẻ em vùng sâu vùng xa, lớn lên trong gia đình đông con, nhưng gần như toàn bộ học sinh của trường là các nhà vô địch của các cuộc thi Olympic toàn Nga hoặc quốc tế!

Thầy hiệu trưởng Evgenyi Vdovin không giấu giếm bí quyết: "Bất cứ học sinh nào có nguyện vọng đều có thể được nhận vào trường, nhưng đó chỉ mới một nửa. Nếu không có động lực và kỷ luật bản thân, việc học hành sẽ rất khó".

"Mọi đứa trẻ sinh ra đều được trời phú một năng khiếu nào đó. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh thức khả năng của các em. Để làm điều này cần có 3 yếu tố quyết định: các em lớn lên trong môi trường nào, các em được học với những ai, và các em siêng năng đến đâu" - ông Vdovin giải thích.

"Cá nhân tôi không thích khái niệm thiên tài. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tài, nhưng yếu tố quyết định tiếp theo là môi trường chúng lớn lên. Trong ngôi trường này, chúng tôi tạo mọi điều kiện để các em học sinh phát triển tài năng của mình" - thầy giáo Dmitry Podlesnyi nói thêm.

Thiên văn học là một trong những niềm tự hào của Trường trung học Saransk. Không chỉ có đầy đủ trang thiết bị và một kính viễn vọng lớn, các học sinh của trường còn được cập nhật những kiến thức thiên văn mới nhất của thế giới ít nhất 3 giờ mỗi tuần.

Tùy vào môn học chủ lực, mỗi năm các học sinh của Saransk sẽ được tham gia các chuyến đi ngoại khóa đến các trung tâm giáo dục lớn trên khắp nước Nga, từ Matxcơva, St. Petersburg cho đến Sochi.

Với các thầy cô, học sinh không phải là cái bình để nhồi nhét kiến thức, chúng là những ngọn đuốc chúng tôi phải thắp sáng.

Thầy Evgenyi Vdovin

Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga - Ảnh 5.

Quả địa cầu đánh dấu các quốc gia nơi các học sinh Trường Saransk đoạt giải thưởng - Ảnh: TASS

3. Trường trung học 239, TP St. Petersburg: "Hãy để tài năng phát triển tự nhiên"

Đây là ngôi trường dẫn đầu danh sách 500 trường phổ thông tốt nhất nước Nga. Ngoài chương trình học tốt và thầy cô chuyên nghiệp, bí quyết thành công của Trường trung học 239 rất đơn giản: hoạt động ngoại khóa phong phú và khuyến khích tài năng, sở thích của học sinh.

Tuy trường đào tạo chuyên sâu các môn toán, vật lý, tin học..., thầy hiệu trưởng Maksim Pratusevich cho rằng không nên cố uốn nắn tài năng, sở thích của học sinh, thậm chí nếu khuynh hướng phát triển của các em không liên quan gì đến các môn học chính.

"Chúng tôi có các cựu học sinh theo đuổi mỹ thuật, văn chương và các ngành sáng tạo sau khi tốt nghiệp. Những năm trước có họa sĩ, diễn viên, năm học này chúng tôi có thêm một đầu bếp. Anh bạn trẻ là nhà vô địch Olympic môn toán nhưng lại thích nấu ăn hơn" - thầy Pratusevich kể.

Mài đũng quần trên giảng đường chỉ là một phần, các học sinh của Trường 239 có rất nhiều hoạt động ngoại khóa như diễn kịch, ca hát, đi dã ngoại, thảo luận khoa học...

"Nhiều học sinh của chúng tôi thích tham gia các chuyến dã ngoại dài ngày đến Kamchatka, Baikal, Khibinyi... Trong các chuyến đi này, sự tương tác lẫn nhau sẽ giúp các em hình thành nền tảng tính cách" - thầy Lyubov Serdakov, giáo viên môn văn, giải thích.

Tại Trường 239, mỗi năm học đều có một chủ đề riêng, ví dụ như chủ đề của năm 2007 là "Vũ trụ". Theo đó, từ ngày khai giảng 1-9 cho đến cuối năm học sẽ là một hành trình tìm hiểu vũ trụ đối với các học sinh, và mỗi lớp học là một con tàu không gian...

Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga - Ảnh 6.

Môn chế tạo robot cũng nằm trong chương trình học của Trường trung học 239 - Ảnh: TASS

PHÚC LONG/TTO

Bài liên quan

TS. Lê Thống Nhất: "Chúng ta chưa thực sự làm thật về giáo dục!"
Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam: “Con cá phải học bơi, con chim phải học bay...”
Tích hợp đâu phải vậy!
Albert Einstein bàn về giáo dục
Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản
Người Việt nói dối: Con số và viễn cảnh
Việt Nam học được gì từ nghịch lý giáo dục Phần Lan
HỌC GÌ TỪ NHỮNG KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC SINGAPORE
Những tháng ngày Harvard
Ba người thầy vĩ đại
Giáo dục là cuộc sống - Triết lý của John Dewey
Cải cách giáo dục là thay đổi nền tảng tư tưởng GD
Tài liệu quý về cải cách giáo dục
Nhà giáo Phạm Toàn: Cải cách phải giản dị!
Đi tìm ‘nhà giáo’
Sự khác biệt về giáo dục giữa Phần Lan và Việt Nam
Chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Bốn thói xấu của người Việt đương đại
Người Nhật học thế nào?
Lễ tổng kết lớp nghiệp vụ quản lý khóa 28
12