logo
logo
0933 205 502
 
Time 11.04.2018 03:07 | View 21.954

 

LTS: Theo một bài báo mới đây, Giáo sư,Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra tình trạng báo động về bệnh giả dối trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Tác giả Trương Khắc Trà gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc các gia đình, xã hội đang vật lộn với các chỉ tiêu kinh tế, đến đồng tiền mà không coi trọng những giá trị đạo đức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trong một khảo sát được công bố mới đây của nhóm nghiên do Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm chủ trì cho thấy, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.

Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh tiểu học là 22%, học sinh trung học cơ sở là 50%, học sinh trung học phổ thông là 64% và sinh viên đại học là 80%! [1].

Đây là những con số đáng phải rung hồi chuông báo động nhưng có phải vì chúng ta phải vật lộn với các chỉ tiêu kinh tế, nợ nần nên chẳng có một cơ quan chức năng nào để tâm, có phải vì xã hội hiện nay mọi thứ quan tâm đều đổ dồn về đồng tiền nên những gì không liên quan đến tiền sẽ bị coi nhẹ!?


Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, bệnh giả dối đang đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt. (Ảnh: Báo giao thông)

Hãy tưởng tượng, vài chục năm sau Việt Nam sẽ có một thế hệ làm chủ đất nước mang trong mình phản xạ nói dối được rèn luyện từ lúc còn bé, niềm tin vào sự công bằng, chân lý lẽ phải có còn khi mà con người luôn rình rập lừa gạt nhau.

Tôi còn nhớ, hồi cấp phổ thông, cách đây không xa lắm, cô chủ nhiệm lớp tôi thỉnh thoảng lại tiếp những vị phụ huynh ngoài những đợt họp theo định kỳ.

Trong cách nhìn của tôi lúc ấy, toát lên sự khao khát ước gì phụ huynh của mình cũng thường xuyên gặp thầy cô của mình như vậy.

Nhưng sự thật sau đó chẳng phải là điều gì quá đẹp đẽ mà là phụ huynh của những bạn ấy muốn biết rõ những khoản đóng, nộp, điểm số, học lực trực tiếp từ cô chủ nhiệm chứ không phải qua “báo cáo” của con em họ.

Rồi thì có những bạn lừa giáo viên chủ nhiệm một cách ngoạn mục bằng cách thuê bác xe ôm đóng giả… phụ huynh đến dự họp ngon lành.

Ở một cấp độ khác, người lớn cũng chấp nhận và sẵn sàng lừa dối nhau bằng những bản báo cáo mượt mà thành tích, số liệu… nhưng thực tế có phải vậy?

Đó là căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục, nó như ghẻ lở ăn mòn ngứa ngáy năm này qua tháng nọ vẫn chưa có cách gì để trị; đó là tham nhũng, lãng phí tiền bạc, công sức của người dân; đó là những đợt bình bầu thành tích cuối năm; đó là vấn nạn suy đồi đạo đức xã hội; là những bản kê khai tài sản; là công tác bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự trong bộ máy nhà nước…

Số liệu mà nhóm nghiên cứu của giáo sư Thêm cho thấy, cường độ nói dối tăng theo độ tuổi và cấp học, bậc học. Tại sao như vậy?

Phải chăng càng sống lâu trong môi trường giáo dục học sinh phải tăng cường độ nói dối để đối phó với những tiêu cực phả ra từ chính ngành giáo dục!?

Một lãnh đạo cấp cao ngành giáo dục hô hào “nói không với bệnh thành tích”, nhưng cứ đến cuối năm, giáo viên lại phải bò ra bồi thêm điểm cho học sinh, để đảm bảo tỷ lệ lên lớp luôn luôn đạt chỉ tiêu, như Phòng đã cam kết với Sở, Sở cam kết với Bộ.

Báo cáo tổng kết có tỉnh hô “GDP tăng, sản lượng lương thực tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách vượt trội, hoàn thành vượt mức xóa đói giảm nghèo, năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, giáp Tết hàng chục tỉnh vác rá lên trung ương xin gạo, 50/63 tỉnh thành hàng năm kêu cứu trung ương trợ cấp.

Hàng ngày bật tivi, xem quảng cáo, khán giả mặc nhiên chấp nhận các doanh nghiệp thi nhau “nổ” tưng bừng về công dụng, giá trị của các loại sản phẩm mà chẳng ai buồn tìm hiểu xem công dụng thực tế được bao nhiêu phần trăm so với quảng cáo.

Có người gọi các sản phẩm quảng cáo trên tivi đều là hàng đểu cũng chẳng phải oan!

Trong đời sống, có câu tục ngữ được hết đời nọ đến nọ kia thi nhau trích đi trích lại để khuyên răn, khuyến khích lối sống dối trá: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “nói ngọt lọt đến xương”, “trâu chậm uống nước đục”, “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”…

Trộm nghĩ, chẳng lẽ phản biện, đóng góp, phê bình cũng phải lựa lời, nghiên cứu khoa học cũng phải chọn lời, thật thà thì ăn cháo vì cháo không ngon bằng cơm! Cớ sao phải nói đến lọt vào xương người nghe?



Nói dối chằng chịt từ dưới lên trên, dọc ngang ngang dọc, trong gia đình, trong công sở, nơi kinh doanh, trong thực hiện luật...

Ai cũng nói dối nhưng ai cũng tỏ ra mình thật thà. Ai cũng biết mười mươi đối phương đang nói dối nhưng ai cũng tỏ ra hoàn toàn tin cậy.

Khó có thể hy vọng xây dựng được một xã hội lành mạnh nếu những hạt giống xấu được cài cắm vào lương tâm con người từ thuở bé.

Sau này, là công bộc, họ sẽ gian dối bằng cách ăn bớt giờ làm, đục khoét người dân và báo cáo láo về thành tích, rồi nào là học giả bằng thật, học giả bằng giả, mua bằng cấp, và mua quan bán chức... để leo lên những chức vụ cao hơn.

Là kỹ sư, có người sẵn sàng rút ruột công trình hay thiết kế ẩu, thi công ẩu... miễn là có lợi cho mình.

Là bác sỹ, có người sẵn sàng trục lợi trên tính mạng con người. Là công nhân, họ cũng sẽ có trăm phương ngàn kế để ăn cắp nguyên vật liệu hay thành phẩm của nhà máy.

Nếu kinh doanh, họ sẽ không từ việc buôn gian bán lận hay làm ăn kiểu chụp giật...

Đó chính là nguồn cơn của một xã hội giả dối, con cái lừa dối cha mẹ, người nọ lừa dối người kia, nói một đằng nhưng việc làm lại một nẻo, nói mà không làm.

Rồi đến lượt mình, cái xã hội giả dối đó lại trở thành môi trường vô cùng tốt cho những hạt giống giả dối sinh sôi nảy nở.

Thật quan ngại rồi đây tính trung thực, thật thà trở thành của hiếm, trong khi đó mới chính là những đức tính đứng đầu của nhân cách, của phẩm hạnh con người....

Làm cách nào để ngăn chặn? Phát triển kinh tế và thỏa mãn các nhu cầu vật chất luôn mang tính quyết định đối với việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế của đời sống tinh thần.

Nhưng đừng quên rằng các thiết chế văn hóa tinh thần một khi xuống cấp thì hậu quả để lại sẽ là gấp bội so với tụt hậu về kinh tế.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://dantri.com.vn/su-kien/giao-su-tran-ngoc-them-tinh-hieu-hoc-can-cu-cua-nguoi-viet-chi-la-huyen-thoai-20161213071952913.htm



Bài liên quan

TS. Lê Thống Nhất: "Chúng ta chưa thực sự làm thật về giáo dục!"
Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam: “Con cá phải học bơi, con chim phải học bay...”
Tích hợp đâu phải vậy!
Albert Einstein bàn về giáo dục
Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản
Việt Nam học được gì từ nghịch lý giáo dục Phần Lan
HỌC GÌ TỪ NHỮNG KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC SINGAPORE
Những tháng ngày Harvard
Ba người thầy vĩ đại
Giáo dục là cuộc sống - Triết lý của John Dewey
Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga
Cải cách giáo dục là thay đổi nền tảng tư tưởng GD
Tài liệu quý về cải cách giáo dục
Nhà giáo Phạm Toàn: Cải cách phải giản dị!
Đi tìm ‘nhà giáo’
Sự khác biệt về giáo dục giữa Phần Lan và Việt Nam
Chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Bốn thói xấu của người Việt đương đại
Người Nhật học thế nào?
Lễ tổng kết lớp nghiệp vụ quản lý khóa 28
12