logo
logo
0933 205 502
 
Time 13.09.2017 08:41 | View 17.868

 

Cải cách phải giản dị, nếu đi vào được cốt lõi: nhóm Cánh Buồm chúng tôi thấy chân dung người học bậc phổ thông muôn đời muôn kiếp chỉ là "con người biết học"...

Lời mở

Kể từ ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” mới [1], tôi chưa lên tiếng mặc dù nhiều bạn thúc giục tôi phát biểu.

Nhiều người đều biết những việc đã làm của nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm – chúng tôi thực sự là một đối trọng của Chương trình tổng thể.

Thật vậy, ngay từ cuối năm 2011, tại hai cuộc Hội thảo cùng mang tên "Tự học – Tự giáo dục", một cuộc cho chuyên gia và một cuộc cho đông đảo công chúng, nhóm Cánh Buồm đã kết thúc báo cáo của mình bằng những dòng này:

Cánh Buồm không tuyên bố những cuốn sách giáo khoa mang tính gợi ý này lànhững cuốn sách tốt nhất đưa con em nước ta vào con đường hưởng thụ một nền Giáo dục Hiện đại.

“Nhưng Cánh Buồm được quyền tuyên bố như sau: đây là bộ sách cho những người biết đón nhận một đột phá đã được chuẩn bị từ nhiều thập kỷ bởi hệ thống Công nghệ Giáo dục và bởi những con người tiêu biểu của hệ thống giáo dục hiện đại đó. Bộ sách đã được soạn ra khẩn trương chậm rãitrong 40 năm và 24 tháng".

“Nhận lấy nó mà dùng!”

“Nhận lấy nó rồi sửa sang đi mà dùng!”

“Hay khước từ nó hoàn toàn và làm ra những bộ sách khác vượt được những sản phẩm này của Cánh Buồm!”

“Cánh Buồm cũng chỉ mong mỏi có được một trong ba phương án đó mà thôi[2].

Theo dõi diễn biến việc công bố Chương trình tổng thể, tôi quyết định phải lên tiếng.

1. Phương pháp tổng thể cho một chương trình tổng thể

Cải cách Giáo dục theo một phương án “tổng thể” không thể đem “phổ biến” cho toàn dân trong một cuộc họp báo.

Phương án mới đó cần xây dựng theo một cách tiến hành hiểu như là một phương pháp tổng thể với lập luận và bước đi khả dĩ thuyết phục được xã hội.

Ít nhất, phương pháp tổng thể đó phải cho thấy nó ra đời từ những tổng kết nào, kể cả tổng kết từ triết lý giáo dục đến những cách làm cụ thể trong quá khứ.

Nhà giáo Phạm Toàn. (Ảnh do tác giả cung cấp)

.

1.a.Về Triết lý Giáo dục

Toàn xã hội đều kêu ca rằng nền Giáo dục Việt Nam phát triển mà không có một triết lý cho nó.

Cần phân biệt ở đây giữa cái nền triết học mang tính thời đại chi phối một nền giáo dục (thí dụ cái nền triết học đã dẫn tới đòi hỏi tách Nhà trường khỏi Nhà thờở châu Âu) và cái triết lý đủ sức lý giải (kể cả dùng nó mà “cãi lý” nữa!) hướng đi và cách làm đang triển diễn của một giai đoạn dài hoặc ngắn của một nền Giáo dục.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại phát biểu về triết lý Giáo dục của mình: Đi học là hạnh phúc.

Nhóm Cánh Buồm phát biểu về triết lý Giáo dục của mình: Đi học là tham gia tổ chức sự trưởng thành của mình.

Tổng chủ biên Chương trình tổng thể phát biểu về triết lý Giáo dục như sau: Thực học, thực nghiệp, và có tinh thần dân chủ.

Quả thực là khó hiểu vì sao nghe hô to một cái khẩu hiệu vừa rồi, đầu Ngô mình Sở đến thế, mà Ủy ban Giáo dục Quốc gia vẫn để lọt tai!

Người có đầu óc còn mỉm cười hình dung cái triết lý giáo dục đã được ông Tổng chủ biên reo to hệt như ông Archimedes nhảy ra khỏi bồn tắm, Eureka! Sau mười năm ta đã có triết lý giáo dục [2].

Giả sử như được chấp nhận là đúng, thì triết lý Giáo dục của Hồ Ngọc Đại và của nhóm Cánh Buồm sẽ do chính nhà sư phạm thực hiện và chịu trách nhiệm.

Giả sử triết lý giáo dục của ông Tổng chủ biên được chấp nhận là đúng, chắc chắn việc thực hiện Thực học, thực nghiệp, và có tinh thần dân chủ, sẽ chỉ có thể do “toàn xã hội, toàn Đảng, toàn dân” cùng thực hiện.

Một triết lý giáo dục là cần thiết, và nó cần phải sâu sắc mà giản dị. Triết lý đó phải được đẻ ra từ cuộc sống thực thì nó mới có thể đạt tới trình độ đòi hỏi cao như vậy.

Triết lý đó phải được chính những nhà cải cách thực hiện một cách khiêm tốn trong nhiều năm, có khi cả đời người chưa rút ra nổi. Triết lý đó không thể ra đời bằng cách bóp trán tìm chữ trong căn phòng chạy máy lạnh.

Với nhóm Cánh Buồm, trải qua nhiều chục năm nghĩ và làm, nghiên cứu và thực nghiệm cùng Giáo sư Hồ Ngọc Đại, chúng tôi mới cảm nhận được triết lý giáo dục của đời mình.

Giản dị thế này thôi: Giáo dục có nhiệm vụ tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc.

Nhiệm vụ đó phải do chính ngành Giáo dục thực hiện, chứ không ỷ lại vào “toàn xã hội, toàn Đảng, toàn dân” để cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm cả.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, giải pháp trong tay nhà giáo dục tuy khó đấy nhưng lại giản dị thế này thôi: tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc bằng cách tổ chức sự tự học cho con em.

(Nhóm Cánh Buồm năm 2011 đã mở cuộc hội thảo mang tên "Tự học – Tự giáo dục").

Sự Tự học bắt buộc như một phương pháp bắt đầu từ tiết học đầu tiên của lớp 1 để con em nhờ biết cách tự học mà có thói quen và sự thích thú để biết cách sống tự lập.

Tự học – Tự lập – Tự nên người, triết lý giáo dục của nhóm Cánh Buồm chỉ giản dị như vậy thôi.

Và tư tưởng đó đòi hỏi bản thân ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm thực hiện theo phương thức nhà trường chứ không theo “phương thức” khác đòi hỏi “toàn xã hội, toàn Đảng, toàn dân” cùng chịu trách nhiệm!

Nhóm Cánh Buồm trong Tờ trình tổng quát trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 16 tháng 7 năm 2014 đã viết rõ:

Hiện đại hóa (Giáo dục) phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết TỰ HỌC – năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.”

1.b.Định tính và định lượng trong hoạch định kế hoạch tổng thể

Ông Tổng chủ biên đã có nhiều cơ hội công bố và sau đó còn giải thích thêm cách làm chương trình tổng thể.

Trong một bài báo, ông giải thích Ba điểm mới … [6] như sau:

"Thứ nhất là về phương pháp xây dựng chương trình, chúng tôi áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược (Back-Mapping) và Đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment, viết tắt là RIA)”.[6]

Hãy nói về điểm mới thứ nhất đã, xin có lời khuyên ông Tổng chủ biên hãy nói tiếng Việt với nhau đi. Nói tiếng Tây lại còn viết tắt nữa làm gì!

Xã hội cần thấy một trình độ tư duy chứ không cần biết đó là cách làm việc học được từ đâu.

Nhưng tại sao lại cần đến chữ Tây ở đây?

Tại vì, cơ sở lập luận của Tổng chủ biên bao giờ cũng là những Nghị quyết của các cấp lãnh đạo và chỉ đạo – lập luận theo cách đó bảo đảm “an toàn” cho người làm kế hoạch tổng thể.

Việc thêm thắt tiếng Tây chỉ nhằm trang điểm cho bản kế hoạch tổng thể – ai rỗi hơi mà đi kiểm tra các nguồn tiếng Tây xem chúng hay ho hoặc đúng đắn hoặc chí ít là láu cá tới đâu.

Mà tại sao lại không tin vào nghị quyết, khi vẫn còn cứ phải dùng Tây dùng Tàu dùng Singapore dùng Nhật dùng đến cả Colombia nữa … để thuyết phục mọi người?

Với toàn xã hội, không gì giá trị bằng cuộc sống thực, kể cả khi cuộc sống thực không chứa những gì đẹp đẽ như ta mong ước.

Cuộc sống thực nằm trong miếng ăn và hơi thở con người, chỉ bằng định tính không cần định lượng ai ai cũng thấy cái gì đúng cái gì sai vì chẳng ai không đang tự mình nếm trải cái đúng cái sai của cuộc sống thực.

Như một bà mẹ không học và tốt nghiệp trường Y khoa nhưng biết con mình khi nào khỏe, khi nào “ươn”.

Chỉ trong cuộc sống thực, những nhà tranh đấu có trách nhiệm đều khởi sự và hấp dẫn quần chúng qua một cảm nhận định tính. Cụ Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa ở Yên Thế đâu có bắt đầu từ thống kê xuôi hoặc thống kê ngược!

Chẳng cần thống kê cũng biết là học sinh phổ thông hiện nay không thích học, không biết cách học, và học xong không biết làm gì.

Chỉ bằng định tính cũng thấy tình trạng đó là do giáo viên không thích dạy, không biết cách dạy, và hoang mang không biết chắc liệu học trò của mình có “nên người” hay không.

Ông Tổng chủ biên vốn dĩ cũng là người chủ biên nhiều bộ sách trong Chương trình thay sách hoặc cải cách có mã số CT-2000.

Chỉ cần chính ông suy nghĩ về việc làm của chính mình thì cũng đã đủ “số liệu” định tính cho một cuộc sửa sai.

Có điều lạ lùng là, cái chương trình năm 2000 được đem dùng từ năm 2004, đến năm 2009 đã rục rịch bàn việc làm lại, nhờ đó mà có cái nhà trường mới viết tắt (lại viết tắt!) là VNEN…

Tình trạng đó có lẽ không chỉ có nguyên nhân là sai sót về phương pháp làm việctheo “sơ đồ xuôi” hoặc “sơ đồ ngược” “viết tắt là RIA”.

Xã hội chưa cần thống kê cũng cảm nhận định tính được tình trạng làm lấy đượccủa ông Tổng chủ biên.

Những người Việt Nam lương thiện đương thời đều tự hỏi, liệu có thể lý giải bằng một tỷ lệ dù rất nhỏ trong đống đô la Hoa Kỳ đi vay để soạn thảo chỉ một chương trình tổng thể?

Vì thế, xã hội hoàn toàn có quyền nghi ngờ từ cách lập luận đến những những chi tiết của chương trình tổng thể.

1.c.Phương thức nhà trường

Chúng ta xem xét nốt hai điểm “mới” nữa đã được chương trình tổng thể vẽ ra.

“Thứ hai, chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh.

Đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “chân dung” người học sinh mới. [6]

“Thứ ba, chương trình được xây dựng lần này có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo quy định từ Nghị quyết của Quốc hội, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp trung học phổ thông.[6].

Cái hình ảnh người học với 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi được Tổng chủ biên vẽ ra thành sơ đồ cho thấy ông chưa phân biệt được điều cốt lõi củaGiáo dục phổ thông với tư cách là nền giáo dục chung nhất, tràn lan khắp đất nước, đi vào từng con người của từng gia đình, sẽ phải tiến hành bằng phương thức nhà trường [5].

Giáo dục phổ thông và phương thức nhà trường tạo ra con người với bao nhiêu giá trị và bao nhiêu phẩm chất?

Sáu phẩm chất à? Sao không là bẩy? Hoặc sao không là MỘT? Mười năng lực à? Sao không là mười lăm? Hoặc sao không là MỘT?

Giả sử trong mấy cái “tình yêu” trong chân dung người học năm 2018 có ai đề nghị thêm, thí dụ yêu môi trường, liệu có nên thêm cho “phong phú” hơn không?

Theo phương thức nhà trường, dĩ bất biến ứng vạn biến, chỉ cần tạo ra cho từng học sinh và nhà sư phạm cũng chỉ đủ năng lực tạo ra một năng lực chứa sẵn trong đó một giá trị.

Cách làm mang phương thức nhà trường đó được phát biểu như sau: phương thức nhà trường dùng môn học, bài học, tiết học để giúp học sinh biết cách học nhờ cách học đó mỗi học sinh có được một nhận thức và một tư duy.

Một nhận thức và một tư duy như là kết quả của từng môn học đặc thù đó, từng bài học riêng biệt đó, và từng tiết học thú vị nào đó.

Lấy một thí dụ nhỏ: học chơi thể thao ở nhà trường phổ thông. Nhờ biết cách học nên em học sinh dù nhỏ tuổi đến đâu cũng biết cách nhảy cao vượt một vật cản thấp lè tè so với một đại lực sĩ.

Thế nhưng, bên cạnh viết biết cách nhảy cao đó, em bé sẽ có tư duy lành mạnh do môn học đó mang lại: lòng tự tin, sự yêu đời, sự vươn lên thành tích cao hơn nhưng lành mạnh, … lớn lên không cá độ, không đá bóng lại xoạc chân làm vỡ xương bạn mình.

Còn nhà quản lý giáo dục thì bớt đi công sức mở Hội khỏe Phù Đổng với những kiểu chơi xấu học lỏm qua TiVi từ những đàn anh xấu.

Với các môn học khác cũng vậy thôi.

Học Toán để có năng lực sống với những mối quan hệ bằng số đồng thời có một tư duy logic, một cách nhìn vấn đề để tự mình đề ra cách tự mình giải quyết vấn đề.

Học tiếng mẹ đẻ là để có tư duy ngôn ngữ học từ đó mà không viết sai chính tả.

Vì sao viết chiết cây và triết học, vì sao viết sản xuất và năng suất, vì sao viết trí tuệ và chí hướng … đâu có là kết quả của “luyện tập thường xuyên” – đó là kết quả của phương thức nhà trường!

Học Văn là để thấu cảm tình người và biết biểu đạt tình riêng của mình với tình người bao la – bắt đầu từ cái xã hội nhỏ nhất là quan hệ với mẹ mình và xa nhất là mối quan hệ với lòng mình như bài học của chàng Tiến sĩ Faust của đại văn hào Goethe trong mệnh đề “con người tiến lên qua lầm lạc”.

Cải cách phải giản dị, nếu đi vào được cốt lõi: nhóm Cánh Buồm chúng tôi thấy chân dung người học bậc phổ thông muôn đời muôn kiếp chỉ là con người biết học, đơn giản vậy thôi.

Nhưng muốn có con người biết học, và học theo phương thức nhà trường, thì phải có những tay nghề sư phạm biết cách tổ chức cách học cho các em nhỏ!

Có tay nghề và bền bỉ nghiên cứu cách làm ngày càng đúng theo phương thức nhà trường sẽ thể hiện ra ở một chương trình tổng thể kiểu khác.

Một phương thức nhà trường trước hết phải xác định chương trình học như một lý tưởng đào tạo tổng quát và bất biến: đào tạo những thanh thiếu niên biết tự học, biết tự giáo dục, biết tự lập khi bước vào đời sống xã hội.

Phương thức nhà trường đó phải xác định nhiệm vụ các bậc học, mà theo cách hiểu và cách làm của nhóm Cánh Buồm chỉ giản dị như sau thôi:

- Bậc Tiểu học là bậc học cách học để sẵn sàng cả về tư duy và về trí tuệ cho bậc Trung học cơ sở.

- Bậc Trung học cơ sở là bậc biết dùng phương pháp để tự mình tìm kiến thức đủ để vào đời.

- Bậc Trung học phổ thông (theo tên gọi hiện nay) nên giao cho các trường Đại học tổ chức để tạo nguồn trực tiếp cho ngành nghề của mình phụ trách.

Hướng nghiệp chỉ giản đơn là giao việc cho trường đại học như vậy thôi, chẳng cần cầu kỳ vẽ ra những “dự hướng” rồi chính hướng…

Cũng vẫn trong phương thức nhà trường, hãy tổ chức lại cách học sâu và đúng hướng vào từng đối tượng chiếm lĩnh như Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng nhiều lần chỉ ra.

Nên nhớ: chương trình năm 2000 bị chê quá tải không phải vì nó cho học sinh học cao, thậm chí “hàn lâm”.

Cần thẳng thắn nhận ra chỗ yếu kém nhất (“tử huyệt”) của CT-2000 là nó quá thấp, quá lộn xộn, đến độ trường sư phạm không biết đường nào mà đào tạo giáo viên, còn giáo viên thì không biết đường nào mà nhồi được vào đầu học trò những điều “hàn lâm” hão huyền.

Xin được nói thêm một lần để không cần quay lại nữa về môn học “sáng tạo” như được đề ra trong Chương trình tổng thể mới.

Về nguyên tắc, nhà trường phổ thông không có sứ mệnh đào tạo thiên tài, nhân tài hoặc những con người sáng tạo.

Việc dạy Văn ở trường phổ thông cũng không có sứ mệnh đào tạo nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ.

Việc dạy Toán ở trường phổ thông cũng không có sứ mệnh đào tạo mỗi năm vài chục nghìn Ngô Bảo Châu.

Việc dạy Sinh vật học ở trường phổ thông cũng không có sứ mệnh đào tạo mỗi năm vài chục nghìn cụ Lương Định Của.

Sáng tạo, con người sáng tạo, trí tuệ sáng tạo đòi hỏi một nguyên lý lao động nhà trường cho, ngoài ra còn là Giời cho, Đời cho, Người cho… nữa.

Nhà tâm lý học Mỹ hiện đại Howard Gardner có cuốn sách Trí khôn sáng tạo(nhóm Cánh Buồm sẽ xuất bản cuối năm 2017).

Trong sách này, H. Gardner nghiên cứu những trường hợp sáng tạo khác nhau, bắt đầu từ tư duy chữa bệnh của bác sĩ tâm thần Sigmund Freud, sang tư duy hội họa của họa sĩ trừu tượng và lập thể Pablo Picasso, sang cách nhảy rực lửa của Martha Graham,… sang cả cách tư duy đấu tranh bất bạo động cực kỳ sáng tạo của Mahatma Gandhi…

Một lớp học của nhóm Cánh Buồm bao giờ cũng được chia ra làm ba “thứ hạng” học sinh để giáo viên chăm sóc trong từng tiết học.

Trước hết có học sinh giỏi, được giáo viên “khen thưởng” bằng cách giao việc làm nhiều hơn các bạn.

Ngay từ lớp 1, khi viết chính tả từng tiếng, những bạn này được giáo viên khen thưởng … “em giỏi lắm, em viết thêm ba tiếng nữa đi…”

Với học sinh trung bình làm thành số đông, giáo viên cho các em làm việc theo tốc độ khẩn trương vừa phải, cốt các em hoàn thành nhiệm vụ.

Còn lại là học sinh chậm chạp, giáo viên đến với từng em, giúp các em đuổi kịp tốc độ nhận thức chung.

Đến thế đã là gần quá sức với giáo viên rồi. Đưa ra yêu cầu học sáng tạo ở một lớp học phổ thông là liều lĩnh, chí ít cũng là coi thường khái niệm sáng tạo, cao nhất có thể là lòe bịp.

2. Cảm hứng trước khi kết luận

Ngày 14 tháng 5 năm 2017, tôi đã được sống một ngày chủ nhật đầy khoái cảm.

Khoái cảm bắt nguồn từ hai sự việc mới xảy ra mà tôi vừa là tác nhân vừa là chứng nhân.

Sáng thứ bảy, tại một trường Quốc tế ở Hà Nội, các giáo viên dạy biểu diễn trước phụ huynh của 15 em đến trường để “học thử” cách học Văn, Toán và Tiếng Anh.

Cô giáo Đinh Phương Thảo, có địa chỉ rõ ràng cả trên “Phây” lẫn điện thoại và nhà trọ cùng nhiệm sở, đã dùng 30 phút để biểu diễn việc tổ chức cho 15 học sinh 11-12 tuổi cảm nhận một bài thơ tiếng Anh và sau đó tự mình dịch sang tiếng Việt mang về tặng ông bà và cha mẹ.

Xin nói rõ: đây không phải là bài học thơ tiếng Anh. Khi cùng soạn bài với cô giáo Thảo, hai chúng tôi đã xác định rõ như vậy.

Bài thơ tiếng Anh chỉ là một vật liệu gợi cho học sinh học cách cảm nhận bài thơ trữ tình bằng cách tưởng tượng tâm trạng nhà thơ, sau đó bản dịch chỉ là mộtphép thử năng lực cảm nhận một bài thơ mang tính chất học trò.


“Không! Không!”, những học trò mới gặp lần đầu đáp lại cô Đinh Phương Thảo khi cô hỏi “có thích học Văn không” … nhưng sau một tiết được học cách cảm nhận thơ những học trò mới sắp vào lớp 6 đã hào hứng nhận dịch bài thơ haiku tiếng Anh. (Ảnh do tác giả cung cấp)

.

Sự việc thứ hai: nhà thơ Dương Tường sắp in một bản thảo quan trọng của đời mình.

Trong bản thảo đó có bài thơ “Chiều buông đầy những thở dài” viết bằng tiếng Pháp (sắp công bố toàn tập) đã được đem dạy cho một lứa học sinh ở trường Quốc tế Pháp ở Hà Nội Alexandre Yersin.

Trong lứa học sinh này có nhiều học trò tôi đã dạy Văn và Tiếng Việt từ cuối những năm 1990.

Em Lucien một lần đội “thúng bánh mì”, rao bằng tiếng Việt lơ lớ nhưng bắt chước rất khéo, bánh mì đê…ê…ê…, đã củng cố cho tôi niềm tin cho học sinh học Văn-Nghệ thuật bắt đầu bằng học lòng đồng cảm qua trò chơi đóng vai.

Tôi đã dạy các em thao tác tưởng tượng qua các truyện Sự tích trầu cau và sự tích ông đầu rau … Việc này cũng củng cố niềm tin cho tôi về cách tổ chức tiếp việc học Văn-Nghệ thuật.

Tôi đã dịch gần chục bài các em “cộng hưởng” với những “tiếng thở dài” của nhà thơ Dương Tường. Tất cả sẽ được công bố vào dịp sinh nhật lần thứ sắp chín mươi vào đầu tháng 8 sắp tới.

Sự thích thú với những điều mình đã bắt tay làm đã buộc tôi ngồi viết một bài báo nhỏ này.

Và bây giờ cho tôi nói vài điều cuối cùng.

Kết luận: Một lời tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Trên Facebook của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, theo yêu cầu của người bạn làm báoDân trí, đã có mấy lời khuyên với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, mà theo ý riêng, tôi nghĩ rằng đó là những lời khuyên rất khó thực hiện.

Tôi không có nhiều điều để nói với Bộ trưởng. Nhưng tôi có một điều quan trọng để nói, và thực ra đã in trong bài đăng trên trang Giáo dục Việt Nam, “Tìm đầu mối để tháo gỡ cuộn chỉ rối.

Kính mong Bộ trưởng bớt chút thì giờ đọc bài báo này. Vì trong bài báo này, tôi phân tích vì sao các nhiệm kỳ Bộ trưởng trước đều chưa làm được việc nghiên cứu kỹ và tổ chức tốt việc học của học sinh.

Đề nghị nhiệm kỳ này của Bộ trưởng sẽ ra tay làm công việc đó. Cách làm không quá phức tạp.

Bên cạnh bộ máy biên soạn Bộ đã có, xin hãy cho các nhóm (thậm chí cá nhân) biên soạn và dùng thử sản phẩm thể hiện được việc tổ chức cách học của học sinh.

Việc thực hiện sẽ tiến hành thí điểm với sự đồng thuận của tác giả, nhà trường và phụ huynh học sinh.

Chắc chắn, trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng, sẽ tìm được những “nhà thầu” xứng đáng!


Ghi chú và Tài liệu tham khảo:

[1] Hôm nay công bố Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Báo Vietnamnet ngày 12 tháng 4 năm 2017. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hom-nay-cong-bo-du-thao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-366218.html

[2] Nhiều tác giả, Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỷ yếu hội thảo Tự học – Tự giáo dục, Tri thức xuất bản, 2011, trang 123. Ấn phẩm này cùng nhiều sách Cánh Buồm khác đều được cung cấp miễn phí trên trang http://Canhbuom.edu.vn, mục Sách mở.

[3] Tờ trình tổng quát của nhóm Cánh Buồm trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 16 tháng 7 năm 2014http://www.canhbuom.edu.vn/index.php/growers/488-canhbuom-bao-cao-quoc-hoi

[4] Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: đã xác định được triết lý Giáo dục phổ thông;http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Da-xac-dinh-duoc-triet-ly-giao-duc-pho-thong-post173926.gd

[5] Tác giả xin hẹn có một bài khác nói riêng chủ đề này: Phương thức nhà trường là gì?

[6] Tổng Chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nêu 3 điểm mới trong dự thảo chương trình 2017, Báo Giaoduc.net.vn ngày 15-4-2017,

[7] Tìm đầu mối để tháo gỡ cuộn chỉ rối http://giaoduc.net.vn/Giáo-dục-24h/Tìm-đầu-mối-để-tháo-gỡ-cuộn-chỉ-rồi-post175508.gd



Bài liên quan

TS. Lê Thống Nhất: "Chúng ta chưa thực sự làm thật về giáo dục!"
Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam: “Con cá phải học bơi, con chim phải học bay...”
Tích hợp đâu phải vậy!
Albert Einstein bàn về giáo dục
Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản
Người Việt nói dối: Con số và viễn cảnh
Việt Nam học được gì từ nghịch lý giáo dục Phần Lan
HỌC GÌ TỪ NHỮNG KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC SINGAPORE
Những tháng ngày Harvard
Ba người thầy vĩ đại
Giáo dục là cuộc sống - Triết lý của John Dewey
Những bí mật của giáo dục phổ thông ở Nga
Cải cách giáo dục là thay đổi nền tảng tư tưởng GD
Tài liệu quý về cải cách giáo dục
Đi tìm ‘nhà giáo’
Sự khác biệt về giáo dục giữa Phần Lan và Việt Nam
Chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Bốn thói xấu của người Việt đương đại
Người Nhật học thế nào?
Lễ tổng kết lớp nghiệp vụ quản lý khóa 28
12