Vào những năm 90, dân học chuyên văn ở ngôi trường chuyên có tiếng của tỉnh tôi chẳng ai là không biết về thầy.
|
Khi lên lớp, giáo viên phải có giáo án cho môn học mình dạy (Ảnh minh họa: Phan Tuyết) |
Thầy không chỉ nổi tiếng về dạy hay (nhiều người nói rằng, dân chuyên văn mà không được học với thầy là một thiệt thòi lớn) mà còn nổi tiếng về cách dạy học đầy lãng tử.
Khác với nhiều thầy cô giáo khi lên lớp phải có chiếc cặp đựng đầy giáo án, sách vở. Thầy vào lớp chỉ đi 2 bàn tay không.
Thế mà mỗi giờ lên lớp của thầy cứ y như là một nghệ sĩ luôn thu hút sự háo hức, chờ đợi của đám học trò. Nhiều người nói rằng, thầy bác cổ thông kim như một cuốn bách khoa toàn thư vậy.
Nhiều câu chuyện về thầy luôn được học sinh và ngay cả giáo viên thường mang ra kể cho nhau nghe và ấn tượng nhất là cuốn giáo án “rồng bay phượng múa” mà thầy đã nộp cho đoàn thanh tra thuở ấy.
Chuyện kể rằng, khi nhà trường thông báo có đoàn thanh tra chuyên môn về trường. Giáo viên nào cũng lo phải chuẩn bị tốt hồ sơ sổ sách, đặc biệt là giáo án.
Nhiều thầy cô giáo phải thức thâu đêm để hoàn thành vì nếu bị phê giáo án soạn không kịp thời thì xem như năm học ấy chắc chắn giáo viên sẽ bị hạ loại thi đua.
Ai cũng lo lắng bận rộn nhưng thầy lại khá thảnh thơi.
Ngày đoàn thanh tra về trường, thầy cô giáo nào cũng có đủ giáo án. Thầy giáo dạy văn cũng nộp một cuốn giáo án dày cộm như bao người.
Thế nhưng, khi mở cuốn giáo án ấy ra đoàn thanh tra tá hỏa vì chẳng thấy ghi chữ gì ngoài những hình vẽ dích dắc như giun mà trang nào cũng thế.
Khi thầy được đoàn thanh tra gọi lên chất vấn vì sao giáo án lại trình bày khác thường như vậy? Thầy nói có ai quy định không được viết thế à? Đây là ký hiệu riêng của mình, nếu đoàn thanh tra không đọc được thì tôi sẽ đọc cho nghe.
Nói đoạn, thầy giở từng trang đọc tên bài, mục tiêu cần đạt, các bước lên lớp, nội dung cần truyền đạt, phương pháp dạy, hình thức tổ chức tiết học, củng cố dặn dò…đầy đủ các bước, các nội dung theo quy định của trang giáo án.
Đoàn thanh tra chẳng thể bắt bẻ gì và cũng chẳng thể xếp loại thầy vì tội không có giáo án.
Người ta cũng biết đó là cách đối phó của thầy nhưng có lẽ do tiếng tăm của thầy quá lớn nên họ đành phải nhượng bộ.
Thầy vẫn thường nói với mọi người, muốn dạy tốt phải nghiên cứu bài thật kỹ. Để có được những tiết dạy thu hút học sinh như thế, thầy đã tốn không ít công sức tìm tòi, học hỏi.
Thế nên, muốn đánh giá giáo viên chính xác cần dự giờ chứ không phải nhìn cuốn vở thấy trình bày đẹp, ghi đầy đủ là được xếp loại tốt mà không cần biết chất lượng giờ dạy trên lớp của họ ra sao.
Phan Tuyết