logo
logo
0933 205 502
 
Time 20.04.2016 11:57 | View 10.505

“Chiếc nón kỳ diệu” và “Rung chuông vàng” phiên bản… cây nhà lá vườn đã đến một lớp học ở Vĩnh Long, với mục đích giúp học sinh ôn lại bài cũ một cách thoải mái và đầy hứng thú…

10 phút ôn bài sôi động của cô hiệu phó
Củng cố bài mới dưới hình thức trò chơi đã khiến các học sinh hiểu bài sâu hơn. Trong ảnh: một tiết dạy vui vẻ của cô Châu với mô hình “Rung chuông vàng” - Ảnh: Minh Tâm

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
""

 

Một buổi sáng tại lớp 9/4, sau khi giảng xong bài unit 8 “Celebrations” trong đó phần ngữ pháp chính là mệnh đề quan hệ/tính từ, nhấn mạnh một số điểm ngữ pháp phức tạp, những trường hợp dùng đại từ dễ nhầm lẫn...cô Nguyễn Thị Minh Châu - hiệu phó Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long - dành hẳn 10 phút để ôn lại bài học bằng cách cho cả lớp chơi trò “Chiếc nón kỳ diệu” và “Rung chuông vàng”...

Đầu tiên là “Chiếc nón kỳ diệu”. Đó là khối hình chóp với các ô như double - nhân đôi số điểm, half - chia đôi điểm, award - phần thưởng, lucky - may mắn, lost - mất hết điểm...

Cô Châu nhắc lại với cả lớp: “Nguyên tắc chơi là đội nào trả lời đúng câu hỏi ôn bài của cô đưa ra mới được quyền quay “Chiếc nón kỳ diệu”. Và đây là trò chơi, cô không lấy điểm, nên chúng ta đừng quan trọng chuyện thắng thua”.

Lớp chia thành hai đội. Cô Châu dùng máy chiếu, trên bảng hiện lên bức tranh cảnh bốn thành viên trong gia đình đang ngồi quây quần bên nhau.

Cô yêu cầu từng đội sử dụng đại từ quan hệ vừa mới học để miêu tả các nhân vật trong tranh. Đội 1, sau khi thảo luận xong, cử bạn Bảo Ngọc đại diện trả lời. Ngọc trình bày một cách lưu loát khi sử dụng đại từ quan hệ whom tả người mẹ trong bức tranh. Ngọc trả lời đúng nên đội 1 nhận được điểm 10 tròn trịa.

Vậy là Ngọc được quyền quay “Chiếc nón kỳ diệu”, phía dưới cả lớp hồi hộp theo dõi. Rồi khi chiếc kim dừng lại ở ô “lost” thì tiếng ồ tiếc nuối vỡ ra, bởi điều này đồng nghĩa với việc đội 1 đã mất hết điểm. Đến phiên đội 2, bạn đại diện cũng trả lời đúng câu hỏi khi dùng đại từ quan hệ who. Lần này, bạn quay trúng vào ô “lucky”, đã nâng số điểm hiện có lên 50...

Cứ vậy, mỗi nhóm đều hăng say thảo luận để có câu trả lời chính xác, và rồi sự hào hứng, sôi động của thời gian ôn bài cũ tiếp tục theo tốc độ chuyển động của “Chiếc nón kỳ diệu” cho đến lúc ngưng ở ô nào...

Xong phần “Chiếc nón kỳ diệu”, cô Châu tiếp tục ôn bài bằng trò chơi “Rung chuông vàng”. Bộ chuông gồm 4 chuông, tương ứng với 4 công tắc. Đội nào nhanh tay bấm trước, chuông reo đèn sáng đỏ lên sẽ được trả lời trước.

Lần này lớp cũng chia ra làm hai đội. Và khi cô Châu bật máy chiếu câu hỏi trắc nghiệm lên trên bảng, các đội nhanh chóng hội ý với nhau tìm câu trả lời bởi thời gian quy định chỉ hai giây. Thời gian kết thúc, đội 1 đã nhanh tay hơn bấm chuông giành quyền trả lời.

Sau khi trả lời trúng đáp án là A, đội 1 tiếp tục giải thích vì sao mình chọn đáp án dùng đại từ liên hệ này, chứ không chọn đáp án dùng đại từ liên hệ khác. Câu trả lời chứng tỏ các bạn hiểu bài tại lớp, chứ không phải chọn theo kiểu hên xui. Tất nhiên đội 1 nhận trọn 20 điểm.

Một tràng vỗ tay cổ vũ của cả lớp khiến không khí thêm phần thân mật và vui vẻ. Đội 2 quyết tâm gỡ điểm số khi nhanh tay bấm chuông trả lời đúng câu trắc nghiệm kế tiếp...

Cứ vậy, 10 phút ôn bài sôi động dưới hình thức “chơi mà học - học mà chơi” giúp cả lớp ôn lại bài đã học hôm đó. Ở đây không có sự cay cú hơn thua, ngược lại các đội còn cổ vũ, động viên lẫn nhau, chia sẻ những tràng cười hết công suất...

Kết thúc buổi học, bạn Phạm Ngọc Giàu cười tươi: “Em rất thích những phút ôn bài vừa chơi vừa học như vầy, bởi được tham gia hoạt động nhóm rất thoải mái, không bị áp lực điểm số, đồng thời thuộc bài ngay tại lớp và nhớ bài rất sâu...”.

Còn bạn Tôn Huỳnh Long thổ lộ: “Em rất thích cách học sôi động như vầy, bởi nếu ngồi một chỗ hoài sẽ dễ chán. Cách ôn bài như thế này đòi hỏi chúng em phải năng động và tích cực hơn. Và quan trọng là mình phải tập trung nghe cô giảng, phải hiểu bài thì mới tham gia trả lời tốt ở phần trò chơi được...”.

Giúp học sinh hiểu bài sâu hơn

Cô Châu chia sẻ: “Nếu “Chiếc nón kỳ diệu” thường vận dụng vào phần đọc hiểu thì “Rung chuông vàng” nghiêng về kiểm tra ngữ pháp. Do đó, cả hai trò chơi bổ sung cho nhau, nên việc ôn bài đã khái quát lại một cách khá đầy đủ những điểm trọng yếu trong bài mới, khiến các em hiểu bài sâu hơn”.

Cô Châu cho biết học ngoại ngữ là để giao tiếp, do đó đòi hỏi người học phải có thái độ tích cực, năng động mới tiếp thu bài nhanh và vận dụng vào thực tiễn một cách tự nhiên. Vì vậy cô Châu mới nghĩ ra việc “ăn theo” hai trò chơi “Chiếc nón kỳ diệu” và “Rung chuông vàng”, và áp dụng nó vào lớp học để giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, qua đó tạo không khí thoải mái, hưng phấn trong lớp học.

Đồng thời, thông qua những trò chơi vui để học tốt này nhằm rèn luyện thêm một số kỹ năng cho các em như hoạt động nhóm, tự giải quyết tình huống, có thái độ tích cực, linh hoạt, chủ động hơn trong công việc...

Cô Nguyễn Thị Tiến - hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn - cho biết: “Cô Châu là giáo viên giỏi của trường. Việc cô Châu đưa “Chiếc nón kỳ diệu” và “Rung chuông vàng” vào tiết giảng là một hình thức giúp củng cố bài vừa học rất thông minh, rất hay, thú vị. Trong trường cũng đã có nhiều tổ bộ môn áp dụng mô hình “Chiếc nón kỳ diệu” và “Rung chuông vàng” với phiên bản vui của cô Châu vào giảng dạy như mỹ thuật, toán, tiếng Anh...”.